Diễn đàn học tập & trao đổi Luật 2007 Đại Học Cần Thơ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ PHÁP LUẬT CẠNH TRANH (phần cuối)

Go down

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ PHÁP LUẬT CẠNH TRANH (phần cuối) Empty THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ PHÁP LUẬT CẠNH TRANH (phần cuối)

Bài gửi  minh tri 167 Mon May 31, 2010 1:46 pm

d) Gièm pha doanh nghiệp khác
Theo Luật Cạnh tranh (Điều 43), các doanh nghiệp bị cấm gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.
đ) Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác
Theo Luật Cạnh tranh (Điều 44), các doanh nghiệp bị cấm gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó
e) Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh
Với bản chất là một hoạt động xúc tiến thương mại (là quá trình thông tin nhằm định hướng hành vi mua, bán hàng hóa và sử dụng dịch vụ của khách hàng), quảng cáo là phương pháp quan trọng giúp doanh nghiệp cạnh tranh, giành thị phần cho mình trên thị trường hàng hoá, dịch vụ. Nhằm đạt được mục tiêu xúc tiến thương mại ở mức độ tối ưu, doanh nghiệp dễ có thể thực hiện quảng cáo không trung thực về giá trị và chất lượng thật của hàng hóa, sản phẩm với tính chất cạnh tranh không lành mạnh. Theo Luật Cạnh tranh (Điều 45), các doanh nghiệp bị cấm thực hiện các hoạt động quảng cáo sau đây:
- So sánh trực tiếp hàng hoá, dịch vụ của mình với hàng hoá, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác;
- Bắt chước một sản phẩm quảng cáo khác để gây nhầm lẫn cho khách hàng;
- Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung sau đây:
+ Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công; cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành;
+ Cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành;
+ Các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác.
- Các hoạt động quảng cáo khác mà pháp luật có quy định cấm.
g) Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
Theo Luật Cạnh tranh (Điều 46), các doanh nghiệp bị cấm thực hiện các hoạt động khuyến mại sau đây:
- Tổ chức khuyến mại mà gian dối về giải thưởng;
- Khuyến mại không trung thực hoặc gây nhầm lẫn về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng;
- Phân biệt đối xử đối với các khách hàng như nhau tại các địa bàn tổ chức khuyến mại khác nhau trong cùng một chương trình khuyến mại;
- Tặng hàng hoá cho khách hàng dùng thử nhưng lại yêu cầu khách hàng đổi hàng hoá cùng loại do doanh nghiệp khác sản xuất mà khách hàng đó đang sử dụng để dùng hàng hóa của mình;
- Các hoạt động khuyến mại khác mà pháp luật có quy định cấm.
h) Phân biệt đối xử của hiệp hội
Hiệp hội ngành nghề bao gồm hiệp hội ngành hàng và hiệp hội nghề nghiệp, gọi chung là hiệp hội, được thành lập trên cơ sở sự tự nguyện của các doanh nghiệp thành viên có chung lợi ích, là nơi cung cấp các thông tin đã được xử lý về các lĩnh vực trên thị trường trong nước và quốc tế, nơi học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp. Với vai trò của mình, thông qua những hành động nhất định, hiệp hội có thể tạo ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Theo Luật Cạnh tranh (Điều 47), hiệp hội ngành nghề bị cấm thực hiện các hành vi sau đây:
- Từ chối doanh nghiệp có đủ điều kiện gia nhập hoặc rút khỏi hiệp hội nếu việc từ chối đó mang tính phân biệt đối xử và làm cho doanh nghiệp đó bị bất lợi trong cạnh tranh;
- Hạn chế bất hợp lý hoạt động kinh doanh hoặc các hoạt động khác có liên quan tới mục đích kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên.
i) Bán hàng đa cấp bất chính
Bán hàng đa cấp là phương thức tiếp thị để bán lẻ hàng hóa đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Việc tiếp thị để bán lẻ hàng hóa được thực hiện thông qua mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau;
- Hàng hóa được người tham gia bán hàng đa cấp tiếp thị trực tiếp cho người tiêu dùng tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng hoặc địa điểm khác không phải là địa điểm bán lẻ thường xuyên của doanh nghiệp hoặc của người tham gia;
- Người tham gia bán hàng đa cấp được hưởng tiền hoa hồng, tiền thưởng hoặc lợi ích kinh tế khác từ kết quả tiếp thị, bán hàng của mình và của người tham gia bán hàng đa cấp cấp dưới trong mạng lưới do mình tổ chức và mạng lưới đó được doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấp thuận.
Bán hàng đa cấp chỉ bị cấm trong trường hợp được thực hiện một cách không lành mạnh. Theo Luật Cạnh tranh (Điều 48), doanh nghiệp bị cấm thực hiện các hành vi sau đây nhằm thu lợi bất chính từ việc tuyển dụng người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp:
- Yêu cầu người muốn tham gia phải đặt cọc, phải mua một số lượng hàng hoá ban đầu hoặc phải trả một khoản tiền để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Không cam kết mua lại với mức giá ít nhất là 90% giá hàng hóa đã bán cho người tham gia để bán lại;
- Cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác chủ yếu từ việc dụ dỗ người khác tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp;
- Cung cấp thông tin gian dối về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, thông tin sai lệch về tính chất, công dụng của hàng hóa để dụ dỗ người khác tham gia.
4. Tố tụng cạnh tranh
4.1. Khái niệm tố tụng cạnh tranh
Tố tụng cạnh tranh là hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo trình tự, thủ tục giải quyết, xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật.
Tố tụng cạnh tranh tiến hành theo thủ tục hành chính có những điểm khác với thủ tục tư pháp tại Tòa án và hiện hành được quy định trong Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh.
Việc giải quyết vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh thực hiện theo quy định của pháp luật cạnh tranh và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30 tháng 09 năm 2005 quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh).
Tố tụng cạnh tranh bao gồm những nội dung cơ bản sau[7]:
4.2. Các chủ thể tham gia tố tụng cạnh tranh
- Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh, bao gồm: Cơ quan quản lý cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh.
- Người tiến hành tố tụng cạnh tranh, bao gồm: Thành viên hội đồng cạnh tranh, thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh, điều tra viên và thư ký phiên điều trần.
- Người tham gia tố tụng cạnh tranh bao gồm: Bên khiếu nại, bên bị điều tra, Luật sư; người làm chứng, người giám định, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
4.3. Trình tự tố tụng cạnh tranh
a) Điều tra sơ bộ
Mỗi vụ việc cạnh tranh đều được bắt đầu bằng thủ tục điều tra sơ bộ. Điều tra sơ bộ được thực hiện theo quyết định của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh và được tiến hành bởi các điều tra viên. Thời hạn điều tra sơ bộ là 30 ngày kể từ ngày có Quyết định điều tra sơ bộ. Căn cứ vào kết quả điều tra sơ bộ và kiến nghị của điều tra viên, Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh ra một trong các quyết định sau đây:
- Đình chỉ điều tra nếu kết quả điều tra sơ bộ cho thấy không có hành vi vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh;
- Điều tra chính thức nếu kết quả điều tra sơ bộ cho thấy có dấu hiệu vi phạm quy định của Luật cạnh tranh.
b) Điều tra chính thức
- Trong trường hợp vụ việc cạnh tranh được điều tra chính thức thì sẽ được giải quyết theo hai hướng khác nhau, tùy thuộc vào loại hành vi vi phạm Luật cạnh tranh: (i) Đối với vụ việc liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh thì trong thời hạn điều tra là 90 ngày kể từ ngày có quyết định (trong trường hợp cần thiết Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh có thể gia hạn nhưng không quá 60 ngày), điều tra viên phải xác định (có hay không) căn cứ cho rằng bên bị điều tra đã hoặc đang thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Sau khi kết thúc điều tra, Thủ trưởng Cơ quan quản lý cạnh tranh sẽ ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh; (ii) Đối với vụ việc liên quan đến hạn chế cạnh tranh mà có nguy cơ gây ảnh hưởng đến phát triển chung của cấu trúc thị trường thì Thủ trưởng Cơ quan quản lý cạnh tranh phải chuyển báo cáo điều tra đến Hội đồng cạnh tranh để giải quyết. Vụ việc cạnh tranh thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng cạnh tranh phải được xem xét, xử lý thông qua phiên điều trần.
- Trường hợp qua điều tra phát hiện vụ việc cạnh tranh có dấu hiệu tội phạm, điều tra viên phải kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh xem xét chuyển hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự.
- Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự thấy có căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì phải trả lại hồ sơ cho cơ quan quản lý cạnh tranh để tiếp tục điều tra theo thủ tục quy định tại Luật Cạnh tranh.
- Các quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và của Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh đều có thể bị xem xét lại thông qua thủ tục khiếu nại hành chính. Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh có thẩm quyền giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; Bộ trưởng Bộ Thương mại có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định của thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh.
- Thời hạn điều tra chính thức: Đối với vụ việc cạn tranh không lành mạnh thời hạn là 90 ngày kể từ ngày có quyết định, trường hợp cần thiết, thời hạn có thể được thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh gia hạn nhưng không quá 60 ngày.
- Đối với vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền hoặc tập trung kinh tế, thời hạn điều tra chính thức thời hạn là 180 ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra, trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể được thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh gia hạn nhưng không quá hai lần, mỗi lần không quá 60 ngày.
- Việc gia hạn thời hạn điều tra, phải được điều tra viên thông báo đến tất cả các bên có liên quan trong thời hạn chậm nhất là 7 ngày làm việc trước ngày hết hạn điều tra.
________________________________________
[1] Nghị định số 116/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh; Nghị định của chính phủ Số 110/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2005 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 về xử lý vi phạm hành chớnh trong lĩnh vực cạnh tranh; Nghị định số 05/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng cạnh tranh; Nghị định số 05/2006/NĐ-CP ngày 09/01/2006 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục quản lý cạnh tranh.
[2] Khoản 3 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004.
[3] Các bên tham gia loại thỏa thuận này có thể làm thủ tục để được hưởng miễn trừ có thời hạn.
[4] Điều 12 Luật Cạnh tranh 2004
[5] Xem các điều 18, 19, 20 Luật Cạnh tranh.
[6] Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2004
[7] Xem Chương V (từ Điều 56 đến Điều 116) Luật Cạnh tranh 2004

Nguồn: chưa xác định
nội dung được trích dẫn từ thongtinphapluatdansu

minh tri 167

Tổng số bài gửi : 14
Join date : 30/05/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết