Diễn đàn học tập & trao đổi Luật 2007 Đại Học Cần Thơ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TỔNG QUAN VỀ TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (phần 3)

Go down

TỔNG QUAN VỀ TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (phần 3) Empty TỔNG QUAN VỀ TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (phần 3)

Bài gửi  minh tri 167 Sun May 30, 2010 10:33 am

1.2.7. WTO và những tổ chức quốc tế khác

Điều V của Hiệp định Marrakesh nêu rõ, Đại Hội đồng có trách nhiệm đưa ra các chương trình phù hợp nhằm thúc đẩy sự hợp tác có hiệu quả với các tổ chức liên chính phủ có chức năng nhiệm vụ liên quan với chức năng nhiệm vụ của WTO. Sự hợp tác đó là nhu cầu tất yếu trong sự phát triển của toàn cầu hóa cũng như của hệ thống thương mại đa phương, đặc biệt trên khía cạnh hoạch định và thực thi các chính sách kinh tế toàn cầu. Trong số những tổ chức liên chính phủ, WTO đặc biệt nhấn mạnh sự hợp tác với Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Sự hợp tác với các tổ chức quốc tế này được thực thi thông qua việc ký kết các hiệp định hợp tác. Những Hiệp định đó là cơ sở cho sự hợp tác Đa phương, cho việc tư vấn thường xuyên giữa WTO và IMF, WB. Trong bộ văn kiện kết thúc Vòng đàm phán Uruguay vào tháng 04/1994 đã bao gồm các văn kiện: Tuyên bố về sự đóng góp của Tổ chức Thương mại Thế giới vào việc đạt được sự nhất quán cao hơn trong hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu, Tuyên bố về mối quan hệ giữa Tổ chức Thương mại Thế giới và Quĩ Tiền tệ Quốc tế. Năm 1996, WTO, IMF và WB đã ký kết Hiệp định giữa WTO và IMF, WB.

Ngoài IMF và WB, WTO còn có sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế khác như Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên hiệp quốc (UNCTAD), Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên hiệp quốc (UNIDO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO).

Điều V của Hiệp định Marrakesh cũng qui định, Đại Hội đồng có trách nhiệm đưa ra các chương trình phù hợp nhằm thúc đẩy sự tư vấn và hợp tác với các tổ chức phi chính phủ quan tâm tới các vấn đề liên quan tới WTO.

Trên thực tế, không chỉ đối với WTO, các tổ chức phi chính phủ, đại diện cho tiếng nói của công chúng, đã quan tâm đến GATT từ những ngày đầu mới ra đời của nó vào năm 1947. Sự ra đời của WTO làm cho mối quan tâm của công chúng với hệ thống thương mại đa phươngngày càng gia tăng. Sự quan tâm của WTO đối với vấn đề này không chỉ thể hiện ở Điều V của Hiệp định Marrakesh như nói ở trên mà còn ở nhiều văn kiện khác, đặc biệt là ở các văn bản hướng dẫn. Chẳng hạn văn bản WT/L/162 về Hướng dẫn về thiết lập các mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ, do Đại Hội đồng thông qua vào ngày 18/07/1996. Văn bản pháp lý này đã đưa ra định hướng cho việc đối thoại giữa WTO và công chúng. Các tổ chức phi chính phủ còn có thể bày tỏ tiếng nói của mình thông qua các kênh như tham dự các Hội nghị Bộ trưởng, tham gia diễn đàn thảo luận các chuyên đề, và có thể liên hệ thường xuyên với Ban Thư ký của WTO. Tháng 07/1998, Tổng Giám đốc của WTO Renato Ruggiero còn đưa ra kế hoạch của WTO đẩy mạnh sự hợp tác với các tổ chức phi chính phủ bằng việc tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức phi chính phủ có tiếng nói của mình đối với WTO.

Trên thực tế các tổ chức phi chính phủ đã tham gia dự ngay từ Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên của WTO, Hội nghị Singapore vào năm 1996. Họ là đại diện cho tiếng nói của công chúng về các vấn đề như môi trường, phát triển, lợi ích của người tiêu dùng, kinh doanh, các liên minh thương mại và lợi ích của nông dân. Các Hội nghị Bộ trưởng tiếp theo tiếp tục dành được sự quan tâm ngày càng gia tăng của các tổ chức phi chính phủ.

Nhiều diễn đàn chuyên đề cũng đã được Ban Thư ký của WTO tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu của các tổ chức phi chính phủ. Đặc biệt đó là diễn đàn các vấn đề về thương mại và môi trường, thương mại và phát triển, và tạo thuận lợi cho thương mại. Những vấn đề này sau đó đã được đưa vào Chương trình nghị sự của Vòng đàm phán Doha.

Thực tế cho thấy các vấn đề của hệ thống thương mại đa phương đã và đang dành được sự quan tâm rộng rãi của xã hội dân sự, và WTO chứng tỏ đã biết lắng nghe tiếng nói của công chúng trong quá trình giải quyết các vấn đề của mình.

1.3. WTO LÀ MỘT DIỄN ĐÀN ĐÀM PHÁN

1.3.1. Tổng quan về quá trình đàm phán của WTO

WTO ra đời vào ngày 01/01/1995, nhưng tiền thân của nó, Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT 1947) đã được ký kết vào năm 1947. Trong suốt 47 năm tồn tại của mình, GATT giữ vai trò điều chỉnh hệ thống thương mại đa phương với các điều khoản thể chế của mình. Ngoài ra, GATT còn tạo ra một diễn đàn cho đàm phán thương mại đa phương, với tổng cộng có tám vòng đàm phán về thương mại như đã trình bày ở phần trên.

WTO tiếp tục những nỗ lực của GATT về đàm phán thương mại đa phương. Tháng 01/1997, WTO đạt được thỏa thuận về dịch vụ viễn thông với việc mở rộng hơn nữa các biện pháp tự do hóa đã đạt được ở Vòng đàm phán Uruguay. Cũng trong năm 1997, 40 nước đã đạt được thỏa thuận về thương mại tự do đối với các sản phẩm công nghệ thông tin và 70 nước khác đạt được thỏa thuận về thương mại dịch vụ tài chính, chiếm tới 95% thương mại về ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và thông tin tài chính.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Doha, Vòng đàm phán Doha, Vòng đàm phán đầu tiên của WTO, được khởi xướng. Vòng đàm phán này tiếp tục giải quyết những vấn đề còn tồn tại của hệ thống thương mại đa phương chưa được giải quyết ở các vòng đàm phán trước đó. Chương trình nghị sự của Vòng đàm phán Doha gồm các vấn đề như thuế quan đối với sản phẩm phi nông nghiệp, vấn đề nông nghiệp, quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề ưu đãi đối với các nước đang phát triển, vấn đề về mối quan hệ giữa thương mại và môi trường, các qui tắc của WTO như chống bán phá giá và trợ cấp, đầu tư, chính sách cạnh tranh, tạo thuận lợi cho thương mại, tính minh bạch trong mua sắm của Chính phủ.

1.3.2. Tự do hóa thương mại đa phương

Trên thực tế, từ khi ra đời đến nay, hệ thống thương mại đa phương đã phát triển theo hướng tự do hóa. GATT trước đây và WTO ngày nay luôn phấn đấu cho mục tiêu thương mại tự do hơn bằng những nỗ lực đàm phán để giảm thiểu các rào cản thương mại. Với tám vòng đàm phán của GATT, thuế quan nhập khẩu đối với hàng công nghiệp đã được cắt giảm một cách cơ bản. Vào những năm 1970, và nhất là vào những năm 1980 của thế kỷ 20, GATT bắt đầu mở rộng diện đàm phán sang cắt giảm các rào cản phi thuế quan đối với thương mại hàng hóa, dỡ bỏ các rào cản đối với thương mại dịch vụ và vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Vòng đàm phán Doha của WTO được khởi xướng từ năm 2001 đang nỗ lực đi theo xu hướng thương mại tự do hơn, đặc biệt đối với thương mại hàng nông sản. Các hiệp định của GATT và WTO được xây dựng trên nền tảng kim chỉ nam của tự do hóa thương mại.

Quá trình tự do hóa thương mại đa phương diễn ra trong các thập kỷ qua với các đặc trưng chủ yếu sau:

- Về thuế quan, thuế quan đã được cắt giảm mạnh sau các vòng đàm phán thương mại đa phương. Tuy nhiên sự cắt giảm còn có sự khác biệt theo chủng loại hàng hóa và xuất xứ của hàng hóa. Hiện nay mức thuế quan nhập khẩu bình quân ở các nước công nghiệp thấp hơn ở các nước đang phát triển, và thuế quan nhập khẩu hàng nông sản cao hơn so với hàng công nghiệp. Vấn đề còn tồn tại hiện nay là thuế cao và thuế đỉnh đối với một số hàng công nghiệp và hàng nông sản.

- Về các rào cản phi thuế quan, các rào cản phi thuế quan đã được dỡ bỏ đáng kể trong hơn 20 năm gần đây nhờ các hiệp định liên quan của GATT và WTO. Tuy nhiên bên cạnh đó các hình thức bảo hộ phần nhiều được phép với các qui tắc của WTO đã gia tăng đáng kể. Các hành vi chống bán phá giá, áp dụng các biện pháp tự vệ, đánh thuế đối kháng xuất hiện ngày càng nhiều mà chủ yếu để chống lại hàng hóa nhập khẩu từ các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi. Trợ cấp xuất khẩu đối với hàng công nghiệp đã được xóa bỏ về cơ bản. Bên cạnh đó trợ cấp đối với xuất khẩu nông sản và hỗ trợ sản xuất nông sản của các nước công nghiệp còn ở mức rất cao, ước tính khoảng một tỷ USD một ngày. Điều đó đã gây ra sự bất bình đẳng trong thương mại đa phương.

- Về mở cửa thị trường dịch vụ, Vòng đàm phán Uruguay đã đưa vào vấn đề dịch vụ và đi đến ký kết Hiệp định chung về thương mại dịch vụ. Nhờ đó tự do hóa thương mại đa phương đã được mở rộng sang cả lĩnh vực dịch vụ. Các cam kết đa phương về mở cửa thị trường dịch vụ đã có được những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ cũng đặt vấn đề tiếp tục đàm phán về tự do hóa thương mại dịch vụ, nhất là ở các lĩnh vực cụ thể như viễn thông, tài chính v.v…

- Về quyền sở hữu trí tuệ, cũng tại Vòng đàm phán Uruguay vấn đề sở hữu trí tuệ đã được đưa vào đàm phán và Hiệp định về các Khía cạnh Liên quan đến Thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ được ký kết. Với Hiệp định này, nội dung của thương mại đa phương đã được mở rộng sang cả lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

1.3.3. Các nhóm lợi ích và sự can thiệp vào quá trình hoạch định chính sách

Trong WTO tiếng nói của đại diện các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Liên minh châu Âu (EU) có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, việc hoạch định chính sách thương mại và đàm phán của WTO không chỉ bị chi phối bởi các Thành viên mà còn bởi các nhóm lợi ích khác. Liên kết với nhau ở trong các nhóm nước này, các nước nhỏ trong WTO sẽ có sức mạnh lớn hơn trong đàm phán.

Nhóm nước lớn nhất và có quan hệ chặt chẽ nhất trong WTO là EU với 27 nước Thành viên hiện nay. EU trước hết là một liên minh hải quan có chính sách thuế quan chung với các nước ngoài khối. Trong các diễn đàn của WTO, Ủy ban châu Âu đều có phát biểu đại diện cho EU. Có thể nói EU là một Thành viên lớn của WTO bao gồm 27 Thành viên nhỏ của WTO có tiếng nói tập thể có sức mạnh trong WTO.

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có 10 nước Thành viên và hiện nay chín nước (trừ Lào) đã là Thành viên của WTO. Mặc dù liên kết với nhau trong Khu vực thương mại tự do AFTA và có nhiều lợi ích thương mại chung nhưng ASEAN ít khi có được tiếng nói chung tại các diễn đàn của WTO. Các nước trong các liên kết kinh tế và thương mại khác như Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng ít khi phối hợp với nhau để đưa ra tiếng nói chung. Một số nhóm nước khác như Nhóm các nước kém phát triển, Nhóm nước châu Phi, Ca-ri-bê và Thái Bình Dương (ACP) và Hệ thống kinh tế châu Mỹ la tinh đôi khi cũng có sự phối hợp để bảo vệ lợi ích của mình.

Nhóm Cairns được thành lập vào năm 1986 trước Vòng đàm phán Uruguay thuộc loại hình liên minh khác trong WTO. Nhóm Cairns tập hợp các nước quan tâm đến việc tự do hóa thương mại hàng nông sản, yêu cầu các nước giàu phải giảm thuế nhập khẩu và hỗ trợ trong nước cũng như trợ cấp xuất khẩu đối với hàng nông sản. Nhóm này có vai trò và có tiếng nói rất quan trọng trong các cuộc đàm phán về nông nghiệp. “Tuyên bố tầm nhìn Nhóm Cairns” đã chỉ rõ mục tiêu của Nhóm trong thương mại hàng nông sản: cắt giảm mạnh tất cả các loại thuế, loại bỏ leo thang thuế quan, loại bỏ các loại trợ cấp trong nước bóp méo thương mại, loại bỏ trợ cấp xuất khẩu.

Nhóm G-21 được thành lập vào ngày 20/08/2003. Nhóm hiện nay có 21 thành viên. Trọng tâm quan tâm của Nhóm là vấn đề nông sản trong Vòng đàm phán Doha. Nhóm phấn đấu cho mục tiêu đạt tới một kết quả đàm phán nông nghiệp như kỳ vọng đặt ra và phản ánh được lợi ích của các nước đang phát triển. Nhóm đã thể hiện được vai trò và tiếng nói của mình trong Hội nghị Cancun và trong Bộ thoả thuận khung tháng 07/2004.

1.3.4. Có đi có lại và cơ chế đàm phán

Để đạt tới những kết quả nhất định trong trong đàm phán thương mại quốc tế các bên cần có sự nhượng bộ theo nguyên tắc có đi có lại, cũng có nghĩa là các bên cùng có lợi. Tuy nhiên cả GATT và WTO đều không làm rõ khái niệm này. Mặc dù vậy, tinh thần các hiệp định của GATT và WTO đều chứng tỏ nguyên tắc các bên cùng có lợi. Mỗi Thành viên tham gia đàm phán đều là các nước hoặc nền kinh tế có chủ quyền trong hoạch định và thực thi chính sách kinh tế và thương mại. Kết quả của các cuộc đàm phán đạt được là do các Thành viên thấy được mình có được lợi ích từ Hiệp định và chấp nhận thực hiện nó. Nếu không thu được lợi ích các Thành viên sẽ không đạt tới sự đồng thuận và đi tới ký kết hiệp định. Nguyên tắc có đi có lại phản ánh sự đánh đổi giữa lợi ích của tự do hóa thương mại và chi phí cho sự tự do hóa ấy. Để thâm nhập được vào thị trường các nước khác một nước phải cho phép đối tác thương mại xâm nhập thị trường nước mình. Trong trường hợp đàm phán gia nhập tuy chỉ xảy ra sự đơn phương nhượng bộ của nước xin gia nhập nhưng thực chất cũng thể hiện nguyên tắc có đi có lại và hai bên cùng có lợi. Lợi ích của nước xin gia nhập là lợi ích trọn gói khi trở thành Thành viên của WTO. Để đổi lại nước xin gia nhập phải có những nhượng bộ về mở cửa thị trường cho các Thành viên khác. Các Thành viên khác đàm phán nhằm đảm bảo mình thu được lợi ích khi một nước trở thành Thành viên mới của WTO.

Nguyên tắc có đi có lại được lấy làm cơ sở cho quá trình đàm phán. Sự nhượng bộ về thuế quan hay mở cửa thị trường dịch vụ của một nước này phải được đổi lại bằng sự nhượng bộ về thuế quan hay những nhượng bộ khác của đối tác thương mại. Trong hệ thống thương mại đa phương thực tế các cuộc đàm phán đã được vận hành theo nguyên tắc này. Các đàm phán về cắt giảm thuế quan và những đàm phán về mở cửa thị trường dịch vụ trong suốt các vòng đàm phán của GATT trước đây và WTO ngày nay đã chứng tỏ điều này. Trong Vòng đàm phán Uruguay cũng đã diễn ra sự nhượng bộ trong việc đưa vào ký kết Hiệp định Nông nghiệp theo yêu cầu của các nước đang phát triển, và Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ theo yêu cầu của các nước công nghiệp phát triển. Vòng đàm phán Doha bế tắc cũng là do chưa đạt được sự nhượng bộ của các nhóm lợi ích tham gia đàm phán. Trong những trường hợp đặc thù, GATT cũng như WTO cho phép các Thành viên có thể đình chỉ sự nhượng bộ tương đương. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của WTO không nhất thiết đàm phán luôn phải dựa trên nguyên tắc có đi có lại. Với các ngoại lệ trong nguyên tắc không phân biệt đối xử, với nguyên tắc ưu đãi cho các nước đang phát triển và kém phát triển, đàm phán có thể đi đến kết quả với sự nhượng bộ đơnphương, ở một chừng mực nào đó, của các nước công nghiệp đối với các nước nghèo.

1.3.5. Nội dung của Vòng đàm phán Doha

Với mục tiêu tiếp tục duy trì cải cách và tự do hóa thương mại, tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của nền kinh tế thế giới và thực hiện những mục tiêu của WTO được nêu ra trong Hiệp định Marrakesh, Hội nghị Bộ trưởng Doha đã khởi xướng Vòng đàm phán Doha. Tuyên bố Doha ở Hội nghị Bộ trưởng này đã vạch ra định hướng cho Vòng đàm phán. Tuyên bố Doha gồm hai nội dung chính. Nội dung thứ nhất là việc thực hiện các cam kết hiện có, chủ yếu liên quan tới các nước đang phát triển. Nội dung thứ hai là những vấn đề được đưa vào đàm phán ở Vòng đàm phán này. Các vấn đề đàm phán chủ yếu gồm:

- Nông nghiệp. Đây là vấn đề nổi cộm và gay cấn nhất trong Vòng đàm phán Doha. Đàm phán về nông nghiệp hướng tới mục tiêu xóa bỏ những rào cản và những biện pháp dẫn tới tình trạng không công bằng trong thương mại hàng nông sản. Các nội dung được đưa ra đàm phán gồm: Mở cửa thị trường hàng nông sản, bao gồm việc giảm đáng kể thuế quan và các rào cản thương mại khác; Giảm thiểu, tiến tới xoá bỏ tất cả các hình thức trợ cấp; Cắt giảm cơ bản những hỗ trợ trong nước bóp méo thương mại. Ngoài ra đàm phán về nông nghiệp còn có những nội dung khác như bảo vệ môi trường, an ninh lương thực, phát triển khu vực nông thôn v.v…

- Đàm phán về dịch vụ. Đàm phán dịch vụ nhằm tiếp tục thực hiện điều khoản được ghi trong GATS về tự do hóa thương mại dịch vụ.

- Mở cửa thị trường đối với các sản phẩm phi nông nghiệp (NAMA). Vòng đàm phán Doha hướng tới giải quyết một số tồn tại liên quan đến vấn đề mở cửa thị trường hàng phi nông nghiệp. Mục tiêu cần đạt tới là cắt giảm, hoặc loại bỏ, bao gồm cả việc cắt giảm hoặc loại bỏ thuế đỉnh, thuế cao, leo thang thuế quan cũng như các rào cản phi thuế quan, đặc biệt đối với các sản phẩm xuất khẩu mang lại nhiều lợi ích cho các nước đang và kém phát triển. Đàm phán phải quan tâm đến nhu cầu và lợi ích của các nước đang và kém phát triển. Để thực hiện mục tiêu nêu trên đàm phán còn có nhiệm vụ phải đưa ra một công thức cắt giảm phù hợp.

- Những khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs). Các nội dung cụ thể được quan tâm trong vấn đề đàm phán này là: TRIPs và sức khỏe cộng đồng; Chỉ dẫn địa lý và hệ thống đăng ký; Rà soát các điều khoản của TRIPs. Việc rà soát này nhằm mục đích phát hiện và chỉnh sửa những điều khoản không phù hợp hoặc bổ sung những điều khoản mới do các Thành viên nêu ra.

- Các vấn đề Singapore, gồm: (i) Thương mại và đầu tư với mục tiêu đưa ra các nguyên tắc và qui tắc điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư. (ii) Mối quan hệ giữa chính sách thương mại và chính sách cạnh tranh. (iii) Tính minh bạch trong mua sắm của Chính phủ. (iv) Tạo thuận lợi cho thương mại. Từ ngày 1 tháng 4 năm 2004 ba vấn đề (i), (ii) và (iii) đã được đưa ra khỏi Chương trình nghị sự của Vòng đàm phán.

- Các qui tắc của WTO về chống bán phá giá và trợ cấp, về các hiệp định Thương mại khu vực. Đàm phán về chống bán phá giá và trợ cấp nhằm hoàn thiện những nguyên tắc về chống bán phá giá và trợ cấp, đặc biệt quan tâm tới nhu cầu và lợi ích của các nước đang và kém phát triển. Về các hiệp định Thương mại khu vực, đàm phán hướng tới làm rõ và hoàn thiện các điều khoản hiện có của WTO đối với các hiệp định Thương mại khu vực.

- Thương mại và môi trường.

- Các nước kém phát triển. Vòng đàm phán Doha hướng tới mục tiêu đạt được sự cam kết của Chính phủ các Thành viên dành ưu đãi, mở cửa thị trường tự do không thuế và không hạn ngạch và tạo những điều kiện thuận lợi khác cho xuất khẩu của các nước kém phát triển. Ngoài ra các nước kém phát triển còn được cam kết được hưởng những hỗ trợ kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình đàm phán gia nhập WTO.

- Đối xử đặc biệt và khác biệt (S&D). WTO trong các hiệp định của mình có các điều khoản cho phép các nước đang phát triển hưởng những ưu đãi. Trong Vòng đàm phán Doha các điều khoản này sẽ được rà soát lại nhằm diễn giải chúng một cách chính xác hơn và tiếp tục khẳng định các ưu đãi này.

Ngoài các vấn đề trên Vòng đàm phán Doha còn đưa vào Chương trình nghị sự của mình các vấn đề đàm phán khác như Thỏa thuận về giải quyết tranh chấp, thương mại và tài chính, thương mại điện tử, các nền kinh tế nhỏ, thương mại, nợ nần và tài chính, thương mại và chuyển giao công nghệ, hợp tác kỹ thuật và phát triển năng lực. Như vậy có thể nói về thực chất Vòng đàm phán Doha tập trung giải quyết các vấn đề về mở cửa thị trường và các qui tắc của WTO.

Hội nghị Bộ trưởng Cancun năm 2003 có nhiệm vụ rà soát các vấn đề cần đàm phán và thiết lập các phương thức đàm phán trong hầu hết các lĩnh vực. Tuy có được một số kết quả khiêm tốn nhưng Hội nghị này không đạt được mục tiêu như ban đầu đưa ra. Hội nghị đã không đạt được sự đồng thuận đáng kể nào và rơi vào bế tắc do các Thành viên bất đồng ý kiến nghiêm trọng về vấn đề nông nghiệp và cả các vấn đề Singapore. Trong tiến trình đàm phán nhóm các nước đang phát triển như Liên minh Châu Phi, Nhóm ACP (châu Phi, Ca-ri-bê, và Thái Bình Dương), Nhóm G-21 đã có tiếng nói chung hay đồng thuận để bảo vệ quyền lợi của mình. Chẳng hạn họ yêu cầu phải bảo lưu sự ưu đãi, sử dụng một cơ chế tự vệ đặc biệt cho các nước đang phát triển.

Sau Hội nghị Cancun các Thành viên chủ chốt của WTO đã nỗ lực tháo gỡ bế tắc của Vòng đàm phán Doha. Nhờ thế Vòng đàm phán Doha đã chính thức được khởi động lại vào đầu tháng 04/2004. Các cuộc đàm phán cam go sau đó đã dẫn tới việc đạt được một “Bộ thoả thuận khung tháng 07/2004” (The July 2004 package), vào ngày 31/07/2004. Bộ thoả thuận khung bao gồm các tiêu chí khá cụ thể làm cơ sở cho việc thiết lập các phương thức đàm phán trong các lĩnh vực còn nhiều quan điểm bất đồng. Với Bộ thoả thuận khung này, lần đầu tiên đàm phán đã có được những tiến bộ đáng kể, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, mở cửa thị trường cho các sản phẩm phi nông nghiệp, vấn đề phát triển và thuận lợi hoá thương mại. Các Thành viên đã đồng ý loại bỏ mọi loại trợ cấp xuất khẩu cho nông sản với một thời hạn cụ thể. Những hỗ trợ trong nước bóp méo thương mại sẽ được cắt giảm đáng kể.9

Thời hạn đặt ra ban đầu cho việc kết thúc Vòng đàm phán vào ngày 01/01/2005 đã không đạt được. Hội nghị Bộ trưởng Hồng Kông họp vào các ngày 13-18/12/ 2005 được đánh giá là gặt hái được một số kết quả đáng kể. Với sự nhân nhượng của EU, năm 2013 được thống nhất là thời hạn chót cho việc loại bỏ các loại trợ cấp xuất khẩu nông sản. Hội nghị cũng đi đến một thoả thuận về bông với việc đẩy nhanh loại bỏ trợ cấp xuất khẩu và cắt giảm trợ cấp trong nước bóp méo thương mại. Có sự nhất trí cao trong việc dành cho 32 nước Thành viên kém phát triển ưu đãi tiếp cận thị trường miễn thuế và hạn ngạch. Trong nông nghiệp và NAMA đã đưa ra được một khuôn khổ cho thể thức đàm phán. Một số thoả thuận cụ thể cũng đã đạt được trong các lĩnh vực đàm phán khác. Mặc dù vậy Hội nghị Hồng Kông chưa giải quyết được những vấn đề đặt ra đối với đàm phán do vẫn còn những bất đồng sâu sắc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp. Hội nghị đã đưa ra một chương trình nghị sự chi tiết cho đàm phán trong năm 2006 và đặt mục tiêu kết thúc Vòng đàm phán vào cuối năm 2006. Tuy nhiên, vào tháng 07/2006 tiến trình đàm phán đã dừng toàn bộ. Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy đang nỗ lực kêu gọi các Thành viên nối lại đàm phán.

Vòng đàm phán Doha cho thấy sự bất đồng sâu sắc về quan điểm giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển, giữa các nhóm lợi ích, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong tiến trình đàm phán, các nước đang phát triển thông qua các nhóm lợi ích đã có tiếng nói chung để thể hiện vị thế và bảo vệ quyền lợi của mình.

1.3.6. Những thách thức hiện nay đối với sự hợp tác thương mại toàn cầu

Thách thức đối với hợp tác thương mại toàn cầu trước hết là thách thức trong hợp tác thương mại đa phương. Vòng đàm phán Doha khởi xướng đã được sáu năm nhưng vẫn rơi vào bế tắc mặc dù đã nhiều lần gia hạn về việc kết thúc đàm phán. Sự bế tắc của Vòng đàm phán Doha đang đặt ra những thách thức cho hợp tác thương mại toàn cầu. Thứ nhất, nó làm chậm trễ tiến trình tự do hóa thương mại toàn cầu, điều đó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cũng như làm trầm trọng thêm chênh lệch về trình độ phát triển giữa nước giàu và nước nghèo. Thứ hai, nó khuyến khích sự phục hồi của chủ nghĩa bảo hộ, điều đó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của nền kinh tế thế giới. Thứ ba, nó đang và sẽ dẫn đến khuynh hướng các nước ưu tiên đàm phán và ký kết các hiệp định Thương mại song phương hoặc khu vực với những cam kết tự do hóa mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên khuynh hướng đó có nguy cơ dẫn đến gia tăng tình trạng thương mại bất bình đẳng, bởi vì trong quá trình ký kết các hiệp định hợp tác khu vực các nước đang phát triển và kém phát triển có ít sức mạnh đàm phán hơn. Các nước này không những thiếu kinh nghiệm và các hỗ trợ kỹ thuật mà còn thiếu sức mạnh tập thể trong đàm phán thương mại song phương. Ngoài ra nhiều nước kém phát triển khác còn có thể bị loại ra khỏi hình thức hợp tác thương mại này. Thứ tư, các nước đang và kém phát triển sẽ bị thiệt thòi nhiều hơn do nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của họ. Trợ cấp và thuế quan cao như hiện nay của các nước đánh vào hàng nông sản sẽ gây khó khăn lớn cho các nước nghèo trong gia tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng cao thu nhập và mức sống của nông dân. Thứ năm, sự bế tắc của Vòng đàm phán này có nguy cơ dẫn đến sự gia tăng của tình trạng tranh chấp thương mại. Thứ sáu, nó đe dọa ảnh hưởng đến tiếng nói và vai trò của WTO với tư cách là tổ chức trung tâm điều phối hệ thống thương mại đa phương. Ngoài ra nó có thể dẫn đến nguy cơ chia rẽ trong WTO do hình thành những nhóm nước đàm phán có lợi ích xung đột nhau.

Những thách thức đối với hợp tác thương mại toàn cầu cũng chính là những thách thức đối với quá trình tự do hóa thương mại và toàn cầu hóa. Ở đây có nguồn gốc kinh tế và chính trị sâu xa của chủ nghĩa bảo hộ. Chính sách bảo hộ nông nghiệp của các nước công nghiệp phát triển không chỉ đơn thuần là lý do bảo đảm an ninh lương thực và thực phẩm mà còn do lý do chính trị. Tại các nước công nghiệp các chủ trang trại có tiếng nói mạnh mẽ và có sức mạnh chi phối đối với giới chức chính trị. Lĩnh vực khác còn có bế tắc trong đàm phán cũng chính là những lĩnh vực được ưu tiên bảo hộ của các nước.
Trích từ nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công Thương

minh tri 167

Tổng số bài gửi : 14
Join date : 30/05/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang


 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết