Diễn đàn học tập & trao đổi Luật 2007 Đại Học Cần Thơ
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TỔNG QUAN VỀ TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (phần 2)

Go down

TỔNG QUAN VỀ TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (phần 2) Empty TỔNG QUAN VỀ TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (phần 2)

Bài gửi  minh tri 167 Sun May 30, 2010 10:31 am

1.2. TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO)

Những qui tắc chung nhất của WTO được qui định trong Hiệp định về thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (Hiệp định Marrakesh).

1.2.1. Mục tiêu, nhiệm vụ, chức năng và cơ cấu tổ chức của WTO

1.2.1.1. Mục tiêu của WTO

Mục tiêu của WTO được nêu ra ở lời nói đầu của Hiệp định thành

lập Tổ chức Thương mại Thế giới. Các mục tiêu đó được kế thừa từ các mục tiêu do Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại (GATT

1947) nêu ra và được phát triển và bổ sung trong những điều kiện mới của kinh tế và thương mại thế giới. Các mục tiêu đó gồm:

- Phát triển sản xuất và thương mại;

- Nâng cao mức sống của người dân các nước thành viên; Tạo công ăn việc làm; Góp phần tăng thu nhập thực tế cũng như nhu cầu có khả năng thanh toán của dân cư;

- Mở rộng sản xuất, thương mại hàng hóa và dịch vụ;

- Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của thế giới gắn liền với việc bảo đảm sự phát triển bền vững, bảo vệ và duy trì môi trường;

- Xây dựng một cơ chế thương mại đa phương chặt chẽ, ổnđịnh và khả thi.

- Thực thi các mục tiêu đó theo cách thức phù hợp với nhu cầu cũng như mối quan tâm của các Thành viên có trình độ phát triển khác nhau, đặc biệt là nỗ lực tích cực để đảm bảo rằng các Thành viên đang và kém phát triển duy trì được tỷ phần tăng trưởng trong thương mại quốc tế.

1.2.1.2. Nhiệm vụ của WTO

Nhiệm vụ của WTO được nêu ra trong Điều II của Hiệp định Marrakesh. WTO có nhiệm vụ đưa ra khung thể chế chung nhằm điều chỉnh các quan hệ thương mại giữa các nước Thành viên thông qua các hiệp định và các công cụ pháp lý có liên quan. Hầu hết các hiệp định của WTO đều là kết quả của Vòng đàm phán Uruguay (1986-1994), được ký kết tại Hội nghị Bộ trưởng Marrakesh vào tháng 04/1994. Có khoảng 60 Hiệp định và quyết định với tổng cộng 550 trang được ký kết tại Hội nghị này.

Một cách tổng quan, WTO có hai nhóm Hiệp định chính là các hiệp định đa phương và các hiệp định nhiều bên (xem hộp 1.1). Hiệp định đa phương là những Hiệp định mà mọi Thành viên của WTO phải có nghĩa vụ thi hành và không có ngoại lệ. Hiệp định nhiều bên là những Hiệp định chỉ ràng buộc pháp lý đối với những Thành viên tham gia ký kết, và hoàn toàn không ràng buộc bất kỳ nghĩa vụ và quyền hạn nào đối với những Thành viên không tham gia ký kết.

Hộp 1.1. Hệ thống các hiệp định của WTO

Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (Hiệp định Marrakesh) Các hiệp định Thương mại đa phương

Phụ lục 1A. Các hiệp định đa phương về thương mại hàng hóa

1. Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (GATT 1994)

2. Hiệp định Nông nghiệp

3. Hiệp định về việc Áp dụng các biện pháp vệ sinh và Kiểm dịch động thực vật

4. Hiệp định về Hàng dệt và May mặc

5. Hiệp định về các Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại

6. Hiệp định về các Biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại

7. Hiệp định về việc Thực hiện Điều VI của Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (Hiệp định Chống bán phá giá)

8. Hiệp định về việc Thực hiện Điều VII của Hiệp định Chung về Thuế

quan và Thương mại 1994 (Hiệp định Xác định Trị giá Hải quan)

9. Hiệp định về Giám định trước khi gửi hàng

10. Hiệp định về Qui tắc Xuất xứ

11. Hiệp định về các Thủ tục cấp phép nhập khẩu

12. Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng

13. Hiệp định về các Biện pháp tự vệ

Phụ lục 1B. Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) và các phụ

lục

Phụ lục 1C. Hiệp định về các Khía cạnh liên quan đến Thương mại của

Quyền Sở hữu trí tuệ (TRIPS)

Phụ lục 2: Thỏa thuận về các qui tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp

Phụ lục 3: Cơ chế rà soát chính sách thương mại

Các hiệp định Thương mại nhiều bên

1. Hiệp định về Mua bán máy bay dân dụng

2. Hiệp định về Mua sắm chính phủ

3. Hiệp định quốc tế về sản phẩm từ sữa (đã chấm dứt hiệu lực năm 1997)

4. Hiệp định quốc tế về thịt bò (đã chấm dứt hiệu lực năm 1997)

1.2.1.3. Chức năng của WTO

Hiệp định Marrakesh đã nêu lên các chức năng sau của WTO:

- Quản lý, điều hành việc thực thi Hiệp định Marrakesh cũng như các hiệp định Thương mại đa phương, đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý và thực thi các hiệp định Thương mại nhiều bên.

- Tạo ra diễn đàn đàm phán giữa các Thành viên về các mối quan hệ thương mại đa phương, và tạo ra những khuôn khổ chung cho việc thực hiện các kết quả đàm phán đã đạt được.

- Điều hành Thỏa thuận về các quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp.

- Điều hành Cơ chế rà soát chính sách thương mại.

- Hợp tác với các tổ chức quốc tế khác đặc biệt là với Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm đạt tới sự phối hợp tốt hơn trong việc hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu.

1.2.1.4. Cơ cấu tổ chức của WTO

Về cơ cấu tổ chức, WTO có ba cơ quan chủ yếu là Hội nghị Bộ trưởng, Đại Hội đồng và Ban thư ký, trong đó Hội nghị Bộ trưởng và Đại Hội đồng là các cơ quan có quyền ra quyết định (xem Hình 1.1).

- Hội nghị Bộ trưởng. Hội nghị Bộ trưởng là cơ quan quyền lực cao nhất của WTO, gồm đại diện của tất cả các Thành viên, họp ít nhất hai năm một lần. Đây là cơ quan có quyền đưa ra quyết định cao nhất của WTO. Hội nghị Bộ trưởng thực thi các chức năng của WTO, đưa ra những quyết định mang tính chiến lược và quan trọng nhất như những quyết định liên quan đến mọi vấn đề trong các hiệp định Thương mại đa phương, kết nạp Thành viên mới v.v… Hội nghị Bộ trưởng còn đứng ra thành lập các ủy ban chuyên trách của mình như Ủy ban về thương mại và phát triển, Ủy ban về các hạn chế đối với cán cân thanh toán, Ủy ban về ngân sách, tài chính và quản trị v.v…

Đến nay, tính đến ngày 01/08/2007, đã có tổng cộng sáu Hội nghị Bộ trưởng. Đó là Hội nghị Bộ trưởng Singapore (họp tại Singapore từ ngày 09-13/12/1996); Hội nghị Geneva (họp tại Geneva, Thụy Sĩ, từ ngày 18-20/5/1998); Hội nghị Seattle (họp tại Seattle, Hoa Kỳ, từ ngày 30/11 đến ngày 03/12/1999); Hội nghị Doha (họp tại Doha, Qatar, từ ngày 09-13/11/2001); Hội nghị Cancun (họp tại Cancun, Mêhicô, từ ngày 10-14/09/2003) và Hội nghị Hồng Kông (họp tại Hồng Kông, Trung Quốc, từ ngày 13-18/12/2005. Tại Hội nghị Doha năm 2001, WTO đã khởi xướng Vòng đàm phán mới – Vòng Doha.

- Đại Hội đồng. Đại Hội đồng là cơ quan chấp hành của WTO, gồm đại diện của tất cả các Thành viên và được nhóm họp ở thời điểm cần thiết. Đại Hội đồng thực hiện các chức năng của WTO giữa hai kỳ Hội nghị Bộ trưởng và thực hiện các chức năng khác được Hiệp định WTO giao phó. Đại Hội đồng còn có quyền hạn đưa ra và thông qua các qui tắc liên quan đến hoạt động của các ủy ban chuyên trách của WTO. Đại Hội đồng cũng có thể kiêm chức năng là Cơ quan Giải quyết tranh chấp và Cơ quan rà soát chính sách thương mại. Đại Hội đồng cũng có quyền quyết định kết nạp Thành viên mới như trường hợp cuộc họp của Đại Hội đồng quyết định kết nạp Việt Nam trở thành Thành viên của WTO vào ngày 07/11/2006.

- Các Ủy ban, Hội đồng chuyên trách. Cấp tiếp theo là các Hội đồng thương mại hàng hóa, Hội đồng thương mại dịch vụ và Hội đồng về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ. Những Hội đồng này có trách nhiệm báo cáo lên Đại hội đồng. Ngoài ra, còn có rất nhiều Ủy ban chuyên trách và các nhóm công tác khác nhau trực thuộc các Hội đồng như Ủy ban chống bán phá giá, Ủy ban trợ cấp và các biện pháp đối kháng, Ủy ban về môi trường, Nhóm công tác về mở cửa thị trường v.v… Sơ đồ tổ chức của WTO được trình bày chi tiết trong trang web của WTO. Sơ đồ dưới đây được lấy từ nguồn của tác giả Norio Komuro.

- Ban thư ký. Mặc dù không phải là một cơ quan ra quyết định và đơn thuần là một cơ quan hành chính nhưng Ban thư ký có vai trò rất quan trọng. Nhiệm vụ chủ yếu của Ban thư ký là cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn cho các hội đồng, các ủy ban; cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các Thành viên đang phát triển; theo dõi và phân tích tình hình phát triển của thương mại thế giới; và là phát ngôn viên của WTO trước báo chí và công chúng và tổ chức các Hội nghị Bộ trưởng. Đứng đầu Ban thư ký là Tổng giám đốc do Đại Hội đồng chỉ định. Ban thư ký có khoảng 600 nhân viên.

Hình I.1. Sơ đồ tổ chức của WTO



Nguồn: Norio Komuro 2005. The WTO How are you?. Worldbank seminar Russian Academy of State Services. Moscow March/April 2005.

1.2.2. Quá trình ra quyết định của WTO

Quá trình ra quyết định của WTO được dựa trên nguyên tắc đồng thuận. Khi có một vấn đề được trình lên Hội nghị Bộ trưởng hoặc Đại Hội đồng để thông qua, nếu không một Thành viên nào có mặt có ý kiến phản đối thì có nghĩa là quyết định được thông qua trên cơ sở đồng thuận, còn gọi là nguyên tắc đồng thuận thuận.

Trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận, để quyết định một vấn đề cụ thể WTO sẽ tiến hành bỏ phiếu. Tại các cuộc họp của Hội nghị Bộ trưởng và Đại hội đồng, mỗi Thành viên sẽ được bỏ một phiếu. Trường hợp của Liên minh châu Âu (EU), hiện nay gồm 27 nước thành viên, số phiếu biểu quyết bằng số nước Thành viên EU cộng với bản thân EU được coi là một Thành viên WTO thành 28 phiếu. Quyết định của Hội nghị Bộ trưởng hoặc Đại Hội đồng lúc đó sẽ dựa trên đa số phiếu, trừ trường hợp quyết định của Đại Hội đồng với tư cách là Cơ quan Giải quyết tranh chấp sẽ tuân theo các điều khoản của Thỏa thuận về các qui tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp.

WTO còn có những qui định cụ thể cho việc ra quyết định ở những trường hợp đặc biệt khác.

1.2.3. Các nguyên tắc của hệ thống thương mại của WTO

Như đã trình bày ở phần trên, nền tảng cho sự tồn tại và vận hành của WTO là hệ thống các hiệp định. Các hiệp định này có dung lượng rất lớn và bao trùm rất nhiều lĩnh vực khác nhau, từ thương mại hàng hóa tới thương mại dịch vụ, sở hữu trí tuệ, các qui tắc giải quyết tranh chấp và rà soát chính sách thương mại. Tuy nhiên, có những nguyên tắc chung xuyên suốt toàn bộ các hiệp định đó và những nguyên tắc này là các trụ cột của hệ thống thương mại đa phương. Các nguyên tắc đó gồm:

1.2.3.1. Không phân biệt đối xử

Nguyên tắc không phân biệt đối xử được thực hiện thông qua hai chế độ. Đó là chế độ đối xử tối huệ quốc và chế độ đối xử quốc gia.

- Đối xử tối huệ quốc (MFN). Đối xử tối huệ quốc có nghĩa là dành sự ưu đãi như nhau cho mọi đối tác. Nói cách khác, nếu một Thành viên dành ưu đãi cho một Thành viên khác, như áp dụng

mức thuế thấp cho một sản phẩm nhập khẩu nào đó, hay dành cho một sự miễn trừ nào đó, thì ngay lập tức và không điều kiện các Thành viên khác cũng sẽ được hưởng sự ưu đãi đó. Đây là nguyên tắc bao trùm mọi Hiệp định của WTO, đặc biệt nó được ghi thành điều khoản trong GATT, trong Hiệp định Chung về Thương mại Dịch vụ (GATS) và trong Hiệp định về các Khía cạnh Liên quan đến Thương mại của Quyền Sở hữu trí tuệ (TRIPs). Cụ thể:

“… bất kỳ một sự ưu đãi, ưu tiên, đặc quyền hay miễn trừ mà một bên ký kết dành cho bất kỳ sản phẩm nào có xuất xứ từ hoặc được giao đến bất kỳ nước nào khác thì ngay lập tức và không điều kiện phải được dành cho sản phẩm tương tự có xuất xứ từ hoặc được giao đến lãnh thổ của tất cả các bên ký kết khác”. (Điều I khoản 1 GATT 1947).

“Đối với bất kỳ biện pháp nào thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này, mỗi Thành viên phải ngay lập tức và không điều kiện dành cho dịch vụ và người cung cấp dịch vụ của bất kỳ Thành viên nào khác sự đãi ngộ không kém thuận lợi hơn sự đãi ngộ mà Thành viên đó dành cho dịch vụ và người cung cấp dịch vụ tương tự của bất kỳ nước nào khác”. (Điều II khoản 1 GATS).

“Đối với việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, bất kỳ một sự ưu tiên, chiếu cố, đặc quyền hoặc miễn trừ nào được một Thành viên dành cho công dân của bất kỳ nước nào khác cũng phải được ngay lập tức và không điều kiện dành cho công dân của tất cả các Thành viên khác”. (Điều 4 khoản 1 TRIPs).

- Đối xử quốc gia (NT). Có nghĩa là phải có sự đối xử bình đẳng giữa trong nước và nước ngoài. Chẳng hạn giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu, giữa dịch vụ do các nhà cung ứng nội địa cung cấp và dịch vụ do các công ty nước ngoài cung cấp, giữa công dân hay công ty trong nước và công dân hay công ty nước ngoài, giữa bản quyền tác phẩm của các tác giả trong nước và của các tác giả nước ngoài. Tuy nhiên Chính phủ một nước chỉ có nghĩa vụ thực thi đối xử quốc gia khi một sản phẩm, dịch vụ hay một thực thể sở hữu trí tuệ của nước ngoài thực sự gianhập thị trường nước đó. Cũng giống như đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia là một nguyên tắc bao trùm các hiệp định của GATT và WTO. Nguyên tắc này cũng được ghi thành điều khoản ở Điều III của GATT, Điều XVII của GATS, và Điều 3 của TRIPs.

Khác với nguyên tắc đối xử tối huệ quốc điều chỉnh các biện pháp hạn chế mở cửa thị trường, nguyên tắc đối xử quốc gia hướng tới tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Bởi vậy, đối xử quốc gia liên quan trực tiếp tới các biện pháp, luật lệ và chính sách của Chính phủ như chính sách thuế, chính sách liên quan đến tiếp cận và sử dụng các nguồn lực trong nước, qui chế đấu thầu v.v… Đây là lĩnh vực thường bị các doanh nghiệp chỉ trích và phàn nàn nhiều nhất.

Thực tế trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc trong sửa đổi chính sách và pháp luật của mình để đảm bảo thực hiện nguyên tắc không phân biệt đối xử của WTO. Đặc biệt, nguyên tắc cơ bản này của WTO được quán triệt trong Luật Đầu tư Việt Nam năm 2005. Điều 4 khoản 2 của Luật khẳng định: “Nhà nước đối xử bình đẳng trước pháp luật đối với các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế, giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài”. Ở Điều 10, Chính phủ Việt Nam cam kết áp dụng giá, phí, lệ phí thống nhất đối với hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước kiểm soát. Điều 14 về “Quyền tiếp cận, sử dụng nguồn lực đầu tư”, các nhà đầu tư được “bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quĩ hỗ trợ; sử dụng đất đai và tài nguyên theo qui định của pháp luật”. Điều 19 xác nhận quyền của nhà đầu tư “tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công theo nguyên tắc không phân biệt đối xử”.

WTO có đưa ra một số ngoại lệ đối với nguyên tắc không phân biệt đối xử này. Các trường hợp ngoại lệ điển hình về phân biệt đối xử được GATT và các hiệp định của WTO cho phép gồm:

- Điều XIV của GATT về “Các ngoại lệ đối với qui tắc không phân biệt đối xử” cho phép phân biệt đối xử trong một số trường hợp liên quan đến áp dụng các hạn chế định lượng nhập khẩu.

- Dựa vào “điều khoản được phép” (Enabling Clause) các nước công nghiệp phát triển đã dành cho hầu hết các nước đang phát triển Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), một loại ưu đãi thông qua giảm thuế đơn phương của nước công nghiệp cho hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển, không yêu cầu có đi có lại.

- Trong thương mại dịch vụ, một Thành viên có thể áp dụng một số biện pháp phân biệt đối xử được qui định trong Điều II khoản 2 của Hiệp định GATS và phù hợp với các điều kiện của Phụ lục về các miễn trừ của Điều II.

- Theo Hiệp định về các Biện pháp Tự vệ, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng, Hiệp định Chống bán phá giá, trong trường hợp diễn ra thương mại không lành mạnh từ phía nước xuất khẩu, một nước nhập khẩu có thể gia tăng các rào cản thương mại (như tăng thuế và áp dụng hạn ngạch) đối với hàng hoá nhập khẩu từ nước xuất khẩu đó.

- Ngoài ra còn một số ngoại lệ khác được qui định trong các hiệp định khác nhau như cho phép áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với nhập khẩu nông sản, phân biệt đối xử trong cấp hạn ngạch dệt may trong Hiệp định Dệt may, ưu đãi hơn cho các nước đang phát triển và các nước kém phát triển v.v…

- Qui tắc của WTO về mua sắm của Chính phủ được xem là một ngoại lệ điển hình của nguyên tắc đối xử quốc gia.

1.2.3.2.Thương mại tự do hơn

Thương mại ngày càng tự do có thể nói là nguyên tắc mà GATT và WTO theo đuổi suốt quá trình hoạt động của của mình. Tự do hoá thương mại không chỉ được quán triệt trong GATT và trong các hiệp định của WTO mà còn cả trong thực tiễn hoạt động của chúng. GATT và tiếp theo các hiệp định của WTO đã đưa ra các điều khoản và qui tắc nhằm ràng buộc và thúc đẩy các nước Thành viên mở cửa thị trường. GATT là Hiệp định đầu tiên về cắt giảm thuế quan trong thương mại đa phương. Với tám vòng đàm phán của GATT, thuế quan hàng công nghiệp đã giảm một cách căn bản. Vào cuối thập niên 80 của thế kỷ 20, thuế suất hàng công nghiệp ở các nước công nghiệp giảm xuống chỉ còn khoảng 6,3%. Việc dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan cũng từng bước được đưa vào đàm phán và thực thi. Trước hết đó là hạn ngạch và một số hạn chế định lượng hạn chế nhập khẩu khác. Tiếp theo, nhất là vào thập niên 80 của thế kỷ 20, các rào cản phi thuế quan khác đã được dỡ bỏ hoặc đưa vào điều chỉnh với các hiệp định về thương mại hàng hoá được ký kết ở Vòng đàm phán Uruguay.

Vòng đàm phán Uruguay đã mở rộng tự do hoá thương mại sang các lĩnh vực mới là dịch vụ và sở hữu trí tuệ. GATS đã qui định nghĩa vụ pháp lý của các Thành viên đối với các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ. Bên cạnh đó TRIPs với các qui tắc về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã đưa ra một khuôn khổ pháp lý an toàn hơn cho tự do hoá thương mại.

Tuy nhiên, các hiệp định của WTO không bắt buộc các Thành viên phải nhanh chóng tự do hoá thương mại. Chúng không chỉ cho phép các Thành viên tiến hành cải cách và tự do hoá thương mại một cách từ từ với các bước quá độ mà còn tạo ra một cơ chế an toàn cho cải cách. Các cơ chế an toàn đó là rất nhiều điều khoản ngoại lệ cho các Thành viên đang và kém phát triển, là các ngoại lệ liên quan đến an ninh quốc gia, vệ sinh, an toàn và môi trường. Ngoài ra, đó còn là các qui tắc về các biện pháp tự vệ, các biện pháp chống bán phá giá, các biện pháp đánh thuế đối kháng v.v…

1.2.3.3. Tính minh bạch: Báo cáo và giám sát

Để hướng tới tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và có thể dự đoán trong hệ thống thương mại đa phương, WTO yêu cầu các Thành viên phải thực thi các biện pháp để đảm bảo tính minh bạch trong hệ thống kinh tế cũng như thương mại của mình. Môi trường kinh doanh như vậy giúp doanh ngHiệp định hướng một cách hiệu quả chiến lược kinh doanh trong tương lai, khích lệ họ đầu tư và nhờ đó tạo ra nhiều việc làm và góp phần nâng cao mức sống của dân cư. Nguyên tắc tăng cường tính minh bạch được thể chế hóa ở Điều X của GATT và Điều III của GATS. Để thực hiện nguyên tắc này, WTO yêu cầu các Thành viên phải thực thi các biện pháp:

- Đưa ra các cam kết ràng buộc khi mở cửa thị trường. Điều đó có nghĩa là phải đưa ra mức trần của cam kết trong đàm phán mở cửa thị trường. Ví dụ: trong thương mại hàng hoá, một nước trong đàm phán mở cửa thị trường thịt bò có thể đặt cam kết ràng buộc đối với thuế nhập khẩu thịt bò là 15%. Khi cam kết mở cửa thị trường có hiệu lực, nước đó sẽ không được tăng thuế vượt mức đó. Trong thương mại dịch vụ, khi có cam kết mở cửa thị trường thì mức mở cửa thị trường không được thấp hơn mức hiện hành và các Thành viên không được duy trì hoặc ban hành những biện pháp hạn chế được nêu trong Điều XVI của GATS.

- Hạn chế áp dụng hạn ngạch, các biện pháp hạn chế định lượng và những biện pháp khác có thể làm giảm tính minh bạch của môi trường kinh doanh. Thực tế của Việt Nam cũng cho thấy áp dụng hạn ngạch với cơ chế xin – cho không minh bạch dễ dẫn đến tình trạng tiêu cực và cạnh tranh không công bằng.

- Chính phủ các Thành viên phải công bố công khai và phải đảm bảo công chúng cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể tiếp cận dễ dàng các chính sách, các qui định, luật lệ và thông tin liên quan đến ngoại thương.

- Thành lập các cơ quan có thẩm quyền để rà soát các quyết định hành chính có ảnh hưởng đến thương mại; xem xét các yêu cầu và kiến nghị của các Thành viên khác.

- Các Thành viên phải đảm bảo sự phù hợp giữa luật lệ và chính sách của mình với các hiệp định của WTO. Đây là một nghĩa vụ pháp lý của các Thành viên. “Mỗi Thành viên phải bảo đảm sự phủ hợp của các luật, các chính sách và thủ tục hành chính của mình với các nghĩa vụ được quy định tại các hiệp định ở phần phụ lục” (Điều XVI khoản 4 Hiệp định Marrakesh về thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới).

Để đảm bảo tính minh bạch, WTO có cơ chế giám sát được đưa vào Hiệp định về Cơ chế rà soát chính sách thương mại. Theo cơ chế này, WTO yêu cầu các Thành viên phải thông báo cho WTO và các Thành viên khác những biện pháp, các chính sách hoặc luật lệ mà Chính phủ áp dụng để điều chỉnh thương mại (theo nghĩa rộng). Ngoài ra, WTO còn tiến hành rà soát theo định kỳ chính sách thương mại của các Thành viên. Bốn thực thể thương mại lớn nhất của thế giới gồm EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada bị rà soát hai năm một lần. 16 thực thể thương mại lớn tiếp theo sẽ bị rà soát bốn năm một lần. Các Thành viên còn lại bị rà soát sáu năm một lần, trừ trường hợp có thể áp dụng một thời kỳ dài hơn đối với các Thành viên kém phát triển. WTO lập ra Cơ quan Rà soát Chính sách Thương mại (TPRB) để thực thi công việc này.

Nguyên tắc minh bạch là rất cần thiết cho việc thực thi các cam kết, cho việc trao đổi thông tin trong WTO. Ngoài ra nó còn giúp nâng cao quyền lực của WTO đối với các Thành viên. Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam cam kết đảm bảo tính minh bạch của những biện pháp, chính sách và luật lệ của mình liên quan đến thương

mại.

1.2.3.4. Hỗ trợ các nước đang phát triển và kém phát triển

WTO đã sớm đề ra nguyên tắc đối xử đặc biệt và khác biệt (S&D) nhằm hỗ trợ các Thành viên kém phát triển, đang phát triển và cả các nền kinh tế đang chuyển đổi. Trong hầu hết các hiệp định của WTO đều đưa vào các điều khoản này với các qui định cụ thể về ưu đãi cho các Thành viên kém và đang phát triển. Nội dung các điều khoản đặc biệt này gồm:

- Có một thời kỳ quá độ dài hơn khi thực thi các hiệp định và cam kết của WTO;

- Có các biện pháp để gia tăng cơ hội thương mại cho các

Thành viên đang phát triển;

- Mức độ cam kết thấp hơn;

- Được hỗ trợ về mặt kỹ thuật hoặc được hưởng một số ưu đãi khác như hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, trong giải quyết tranh chấp, trong thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật;

- Yêu cầu các Thành viên phải bảo vệ lợi ích của các Thành viên đang phát triển;

- Ngoài ra còn có các điều khoản yêu cầu các nước công nghiệp dành những ưu đãi khác cho các nước kém phát triển như đơn phương miễn thuế hoặc xóa bỏ hạn ngạch đối với hàng nhập khẩu từ các nước kém phát triển.

Hội nghị Bộ trưởng lần thứ tư họp tại Doha đã uỷ quyền cho Uỷ ban Thương mại và phát triển giám sát việc thực thi các điều khoản về đối xử đặc biệt và khác biệt này.

1.2.4. Đàm phán gia nhập

Về nguyên tắc, tất cả các quốc gia và lãnh thổ hải quan có đầy đủ chủ quyền kinh tế trong hoạch định và thực thi các chính sách thương mại của mình đều có thể gia nhập WTO. Tuy nhiên, muốn trở thành Thành viên của WTO, quốc gia hay lãnh thổ hải quan đó phải được sự đồng thuận của tất cả các Thành viên. Muốn đạt được sự đồng thuận này quốc gia xin gia nhập phải tiến hành đàm phán. Quá trình đàm phán xin gia nhập gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Nước xin gia nhập nộp đơn xin gia nhập.

- Đại Hội đồng thành lập Ban Công tác. Về nguyên tắc tất cả các Thành viên của WTO có yêu cầu đàm phán với đối tác gia nhập đều có thể là Thành viên của Ban Công tác.

- Minh bạch hóa chính sách. Ở giai đoạn này nước xin gia nhập phải gửi văn kiện thuyết minh toàn bộ các chính sách kinh tế và thương mại của mình có liên quan đến các hiệp định của WTO. Văn kiện sẽ được Ban Công tác của WTO xem xét. Ngoài ra nước xin gia nhập còn phải trả lời tất cả các câu hỏi do các Thành viên của Ban Công tác nêu ra.

- Đàm phán gia nhập, bao gồm đàm phán song phương và đàm phán đa phương. Đàm phán song phương là đàm phán giữa nước xin gia nhập và các Thành viên khác. Sở dĩ có đàm phán song phương là do mỗi Thành viên với những đặc thù về kinh tế và thương mại của mình có những yêu cầu đàm phán khác nhau. Nội dung đàm phán có thể bao trùm toàn bộ các hiệp định của WTO từ thuế quan và các rào cản phi thuế quan đối với thương mại hàng hóa đến mở cửa thị trường dịch vụ, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Do nguyên tắc không phân biệt đối xử, cam kết của nước xin gia nhập với bất kỳ một Thành viên nào cũng sẽ được áp dụng cho tất cả các Thành viên khác của WTO, kể cả những nước không tham gia đàm phán. Đàm phán đa phương là đàm phán với WTO nói chung thông qua đại diện là Ban Công tác. Trọng tâm của nó là đàm phán về các điều khoản gia nhập liên quan tới các quy tắc và nghĩa vụ được quy định trong các hiệp định của WTO trên 3 lĩnh vực chính là: (i) thương mại hàng hóa; (ii) quyền sở hữu trí tuệ và (iii) các vấn đề mang tính hệ thống liên quan tới thương mại dịch vụ. Nội dung đàm phán đa phương tập trung vào việc xem xét các luật và thể chế chính sách của nước xin gia nhập. Nếu luật lệ và thể chế chính sách của nước xin gia nhập chưa phù hợp với các hiệp định của WTO, WTO yêu cầu nước xin gia nhập phải tiến hành những sửa đổi phù hợp.

- Ban Công tác soạn thảo văn kiện gia nhập. Sau khi hoàn tất việc đàm phán song phương và đa phương, Ban Công tác sẽ hoàn tất bộ văn kiện trọn gói cuối cùng về các điều khoản gia nhập. Bộ văn kiện này gồm: Báo cáo của Ban Công tác, Nghị định thư gia nhập, các Biểu cam kết của nước xin gia nhập và Quyết định gia nhập do Đại Hội đồng phê chuẩn.

- Xem xét ra quyết định và các thủ tục pháp lý khác. Bộ văn kiện trọn gói cuối cùng sẽ được trình cho Đại Hội đồng hoặc Hội nghị Bộ trưởng xem xét. Nếu hai phần ba số Thành viên của WTO biểu quyết tán thành, thì WTO sẽ phê chuẩn Quyết định gia nhập. Đồng thời nước xin gia nhập sẽ ký Nghị định thư gia nhập. Đối với một số nước, văn kiện xin gia nhập còn phải được Quốc hội hoặc Nghị viện của nước đó thông qua. Nước gia nhập sẽ chính thức trở thành Thành viên của WTO sau 30 ngày kể từ khi WTO nhận được thông báo của nước xin gia nhập về việc đã hoàn thành thủ tục phê chuẩn Nghị định thư gia nhập và các phụ lục.

1.2.5. Tổng quan về quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam

Quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đã trải qua các giai đoạn sau:

- Nộp đơn. Ngày 4 tháng 1 năm 1995 WTO tiếp nhận đơn xin gia nhập của Việt Nam.

- Đại Hội đồng thành lập Ban Công tác. Ngày 31/01/1995, Ban Công tác được thành lập. Đại sứ Seung Ho (Hàn Quốc) làm chủ tịch Ban Công tác trong giai đoạn 1998-2004, và Đại sứ Eirik Glene (Na Uy) làm chủ tịch Ban Công tác giai đoạn 2005-2006.

- Minh bạch hóa chính sách. Tiếp theo, Việt Nam bước vào giai đoạn minh bạch hóa chính sách. Việt Nam gửi văn kiện cho WTO thuyết minh về chính sách kinh tế và thương mại của mình và trả lời các câu hỏi do các Thành viên Ban Công tác nêu ra. Tổng cộng Việt Nam phải trả lời khoảng 3516 câu hỏi.

- Đàm phán về thực chất. Về đàm phán song phương, lúc đầu khoảng hơn 40 Thành viên yêu cầu đàm phán với Việt Nam. Khi kết thúc đàm phán song phương, Việt Nam tổng cộng phải hoàn tất đàm phán với 28 đối tác. Mỹ là nước cuối cùng kết thúc đàm phán với Việt Nam. Văn kiện kết thúc đàm phán với Mỹ được ký kết vào ngày 31/05/2006.

Về đàm phán đa phương, tổng cộng Việt Nam phải trải qua 14 phiên đàm phán chính thức với Ban Công tác. Phiên đầu tiên diễn ra vào các ngày 30-31/07/1998. Phiên cuối cùng diễn ra vào ngày 26/10/2006. Trong các phiên đàm phán này, về thương mại hàng hóa, Việt Nam đã đưa ra bốn bản chào về thuế quan. Về thương mại dịch vụ, Việt Nam đã đưa ra bản chào về các cam kết cụ thể trong dịch vụ lần đầu vào ngày 07/01/2002. Bản chào này sau đó còn được sửa đổi ba lần nữa. Trong quá trình đàm phán, để đáp ứng các yêu cầu của đàm phán đa phương, Việt Nam đã có những nỗ lực vượt bậc nhằm hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách của mình phù hợp với các chuẩn mực của WTO. Tổng cộng Việt Nam đã sửa đổi và xây dựng mới 25 luật và pháp lệnh, trong đó có các đạo luật mới được ban hành, như Luật Cạnh tranh năm 2004, Pháp lệnh Chống bán phá giá năm 2004, Luật Đầu tư năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005…

- Văn kiện gia nhập. Báo cáo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO lần đầu tiên được dự thảo vào ngày 22/11/2004, sau đó được tiếp tục hoàn chỉnh vào ngày 19/10/2006. Tuy nhiên phải đợi đến phiên đàm phán đa phương lần thứ 14 vào ngày 26/10/2006, bộ văn kiện về việc Việt Nam gia nhập WTO mới được hoàn tất để trình lên Đại Hội đồng.

- Xem xét, biểu quyết kết nạp. Ngày 07/11/2006, Đại Hội đồng họp tại Geneva xem xét và biểu quyết kết nạp Việt Nam trở thành Thành viên của WTO. Đại Hội đồng đã bỏ phiếu chính thức kết nạp Việt Nam là Thành viên của WTO. Sau lễ kết nạp, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã ký Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO. Vào ngày 28/11/2006, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của Việt Nam. Ngày 12/12/2006, WTO nhận được thông báo của Việt Nam về việc chính thức phê chuẩn bộ văn kiện gia nhập. Như vậy, kể từ ngày 11/01/2007, Việt Nam chính thức trở thành Thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Hộp 1.2. Tóm tắt các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam7

Bộ văn kiện gia nhập của Việt Nam bao gồm các tài liệu: Nghị định thư về việc gia nhập WTO của Việt Nam; Quyết định của Đại Hội đồng về việc gia nhập WTO của Việt Nam; Báo cáo của Ban Công tác về việc gia nhập của Việt Nam; Biểu cam kết về thương mại hàng hoá (bao gồm cam kết về thuế nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan và trợ cấp nông nghiệp); và Biểu cam kết cụ thể về thương mại dịch vụ. Các cam kết của Việt Nam có thể qui thành ba nhóm lớn là các cam kết đa phương, các cam kết về mở cửa thị trường hàng hoá và các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ.

- Các cam kết đa phương. Các cam kết đa phương gia nhập WTO của Việt Nam được tổng hợp trong Báo cáo của Ban Công tác. Đây là cam kết chung với WTO về việc thực hiện các nghĩa vụ, qui tắc và việc tuân thủ các hiệp định của WTO. Việt Nam cam kết thực hiện toàn bộ các hiệp định đa phương của WTO ngay thời điểm gia nhập. Trên thực tế, phần lớn các cam kết của Việt Nam đã được luật hoá trong các đạo luật ban hành trong những năm gần đây. Các nhóm vấn đề chính Việt Nam cam kết gồm: Chính sách kinh tế; Khuôn khổ ban hành và thực thi chính sách; Các chính sách ảnh hưởng đến thương mại hàng hoá; Những vấn đề liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ; Các chính sách ảnh hưởng đến thương mại dịch vụ; Minh bạch hoá; Các hiệp định thương mại; Kết luận; và hai phụ lục. Dưới đây là một số điểm chính trong các cam kết đa phương.

Về chính sách kinh tế, Việt Nam có các cam kết liên quan đến: chính sách tài chính tiền tệ; chính sách ngoại hối và thanh toán; chính sách đầu tư; các doanh nghiệp nhà nước; tư nhân hoá và cổ phần hoá; chính sách giá cả; chính sách cạnh tranh. Liên quan đến chính sách tài chính, tiền tệ, ngoại hối và thanh toán, Việt Nam sẽ tuân thủ các nghĩa vụ có liên quan đến ngoại hối theo đúng qui định của WTO cũng như các tuyên bố và quyết định của WTO liên quan đến IMF. Việt Nam đồng thời chấp nhận tuân thủ Điều VIII của Điều lệ IMF. Các doanh nghiệp nhà nước sẽ hoạt động bình đẳng như những doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác, hoàn toàn theo tiêu chí của thị trường và chịu sự điều chỉnh chung của pháp luật. Nhà nước không can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào các hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Mua sắm của doanh nghiệp nhà nước cũng không được coi là mua sắm của Chính phủ. Chính phủ Việt Nam cũng có trách nhiệm báo cáo thường niên cho WTO tiến độ tiến hành cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước. Việt Nam cam kết thực thi quản lý giá phù hợp với các qui định của WTO và bảo đảm sự minh bạch trong kiểm soát giá cả thông qua việc thông báo rộng rãi cho công chúng và doanh nghiệp các mặt hàng chịu sự quản lý giá cũng như các văn bản pháp luật có liên quan.

Về ban hành và thực thi các luật và chính sách, cam kết về lĩnh vực này thể hiện ở ba nguyên tắc sau. Thứ nhất, tuân thủ qui định của Hiệp định Marrakesh, trong quá trình phê chuẩn các văn kiện pháp luật Việt Nam ưu tiên áp dụng các điều khoản trong các cam kết quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam sẽ thực thi các cách thức phù hợp để thực hiện các cam kết. Thứ hai, đảm bảo sự thống nhất và nhất quán việc thực hiện các qui tắc của WTO trên toàn bộ lãnh thổ hải quan, không chỉ ở cấp Trung ương mà cả các cấp địa phương. Thứ ba, bảo đảm sự khách quan và công bằng khi tiến hành tố tụng, xét xử các tranh chấp liên quan đến các lĩnh vực WTO điều chỉnh.

Về chính sách ảnh hưởng đến thương mại hàng hoá, cam kết quan trọng nhất là cam kết về quyền kinh doanh (quyền xuất khẩu và nhập khẩu). Việt Nam cam kết tuân thủ các qui định có liên quan của WTO. Kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập, các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài có quyền xuất khẩu và nhập khẩu hàng hoá như các doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam. Ngoại lệ về quyền này được áp dụng chung cho các doanh nghiệp và cá nhân trong nước cũng như nước ngoài, bao gồm một số mặt hàng thuộc diện thương mại nhà nước như xăng dầu, thuốc lá điếu, xì gà, băng đĩa hình, báo, tạp chí. Ngoài ra, còn một số mặt hàng khác các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài sẽ được phép kinh doanh sau một thời kỳ quá độ. Các doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam được phép đăng ký quyền xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài sẽ không được tự động tham gia vào hệ thống phân phối trong nước. Việt Nam vẫn giữ quyền đưa ra các quy định về quản lý dịch vụ phân phối.

Về những vấn đề liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam cam kết thực thi đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định TRIPs. Những cam kết chi tiết đã được đưa vào Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

Về minh bạch hoá, Việt Nam cam kết đăng tải công khai các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để nhân dân có thể đóng góp ý kiến. Các văn bản pháp luật cũng sẽ được công bố trên các phương tiện khác nhau nhằm tạo điều kiện cho nhân dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với các văn bản đó.

Về nghĩa vụ thông báo chính sách, Việt Nam cam kết thực thi nghĩa vụ thông báo thường xuyên các chính sách, luật lệ của mình cho WTO để phục vụ cho công tác rà soát chính sách thương mại của WTO.

- Các cam kết về mở cửa thị trường hàng hoá. Liên quan đến lĩnh vực mở cửa thị trường hàng hoá, Việt Nam cam kết:

(i) Ràng buộc mức trần cho tất cả các dòng thuế trong biểu thuế nhập khẩu, gồm 10.600 dòng thuế. Mức thuế bình quân giảm từ 17,4% mức hiện hành xuống còn 13,4%, với lộ trình cắt giảm kéo dài trong vòng năm đến bảy năm. Mức thuế bình quân hàng nông sản giảm từ mức hiện hành 23,5% xuống còn 20,9%, thực hiện trong khoảng năm năm. Giảm thuế hàng công nghiệp thực hiện trong vòng năm đến bảy năm từ mức thuế bình quân hiện hành

16,8% xuống còn 12,6%.8

(ii) Chỉ dùng thuế nhập khẩu làm công cụ để bảo hộ. Việt Nam phải cắt giảm thuế, nhất là đối với các dòng thuế có thuế suất cao trên 20%. Trong việc áp dụng các loại thuế và phí, Việt Nam cam kết thực thi các qui tắc của WTO, tuân thủ nguyên tắc không phân biệt đối xử, cũng như cam kết sửa đổi những điểm chưa phù hợp. Về các biện pháp hạn chế định lượng, hiện nay, Việt Nam chỉ còn áp dụng đối với một số ít mặt hàng, và cam kết cho phép nhập khẩu xe máy phân khối lớn không muộn hơn ngày 31/05/2007. Việt Nam bảo lưu quyền áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với đường, trứng gia cầm, lá thuốc lá và muối. Về các rào cản và qui định khác, Việt Nam sẽ tuân thủ các qui tắc của WTO về xác định trị giá hải quan, qui tắc xuất xứ, về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, qui tắc về quá cảnh, chống bán phá giá, trợ cấp và các biện pháp tự vệ, bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản. Việt Nam còn cam kết tham gia một số Hiệp định tự do hoá theo ngành như sản phẩm công nghệ thông tin (ITA), dệt may và thiết bị y tế.

(iii) Tại các cửa khẩu, ngoài thuế nhập khẩu không sử dụng phí, lệ phí và các khoản thu khác nhằm mục đích thu ngân sách.

Các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ. So với Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA), Việt Nam đã có những cam kết ở mức cao hơn về mở cửa thị trường dịch vụ. Việt Nam đã cam kết mở cửa khoảng 110 phân ngành trên tổng số 155 phân ngành của 11 ngành trên tổng số 12 ngành dịch vụ theo phân loại của WTO. Biểu cam kết dịch vụ gồm ba phần là cam kết chung, cam kết cụ thể và danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc. Bốn phương thức cung cấp dịch vụ theo qui định của WTO được trình bày trong Biểu cam kết dịch vụ lần lượt gồm: (1) cung cấp qua biên giới; (2) tiêu dùng ngoài lãnh thổ; (3) hiện diện thương mại; (4) hiện diện thể nhân.

Cam kết chung bao gồm các nội dung cam kết được áp dụng cho tất cả các ngành dịch vụ. Các công ty nước ngoài có nhiều quyền hạn hơn so với BTA như được phép phát hành cổ phiếu ra công chúng, thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài v.v… Công ty nước ngoài không được hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức chi nhánh trừ một số ngoại lệ được qui định cho các ngành cụ thể. Công ty nước ngoài được phép đưa cán bộ quản lý vào làm việc tại Việt Nam nhưng ít nhất 20% cán bộ quản lý của công ty phải là người Việt Nam. Các tổ chức và cá nhân nước ngoài được mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam theo tỷ lệ được qui định cụ thể ở từng ngành. Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ sẽ được hưởng qui tắc đối xử quốc gia. Việc cấp giấy phép cung ứng dịch vụ cũng sẽ được thực thi theo tiêu chí khách quan, minh bạch.

Cam kết cụ thể gồm các cam kết áp dụng cho từng ngành dịch vụ nhất định. Những điểm chính về cam kết cụ thể trong các ngành dịch vụ là như sau:

Dịch vụ kinh doanh: Nhìn chung tuỳ theo lĩnh vực cụ thể phía nước ngoài chỉ được thành lập doanh nghiệp 100% vốn sau 2 đến 5 năm sau khi Việt Nam gia nhập. Ngoài ra Việt Nam bên cạnh nới rộng quyền kinh doanh trong một số lĩnh vực vẫn tiến hành bảo lưu một số ràng buộc đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Dịch vụ viễn thông: Về cung cấp dịch vụ viễn thông có gắn với hạ tầng mạng, bên nước ngoài chỉ được đầu tư dưới hình thức liên doanh với phía Việt Nam với vốn góp tối đa của phía nước ngoài là 49%. Về các dịch vụ viễn thông khác các nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ được cung ứng thông qua liên doanh tuy mức ràng buộc về vốn góp được nới lỏng hơn, có thể là 51%, hay 65%, 70% sau 3 năm Việt Nam gia nhập tuỳ theo loại hình dịch vụ.

Dịch vụ phân phối: Phía nước ngoài phải thành lập liên doanh với đối tác Việt Nam với tỷ lệ vốn góp tối đa 49%. Từ ngày 1 tháng 1 năm 2008 hạn chế vốn góp 49% sẽ được bãi bỏ nhưng chưa đạt mức 100%. Từ ngày 1 tháng1 năm 2009 các công ty nước ngoài được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên Việt Nam không mở cửa một số thị trường phân phối cho nước ngoài như xăng dầu, dược phẩm, sách, báo v.v… và một số thị trường khác chỉ mở cửa sau 3 năm như sắt thép, phân bón. Ngoài ra, Việt Nam hạn chế chặt chẽ việc mở điểm bán lẻ của các công ty nước ngoài.

Dịch vụ giáo dục: Chỉ cam kết các lĩnh vực kỹ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ, quản trị kinh doanh và khoa học kinh doanh, kinh tế học, kế toán, luật quốc tế và đào tạo ngôn ngữ. Đối với giáo dục phổ thông chưa cam kết cho phép nước ngoài mở cơ sở đào tạo tại Việt Nam. Các dịch vụ giáo dục khác tuy có cam kết mở cửa nhưng vẫn đi kèm với nhiều ràng buộc như phải tuân thủ các qui định của Nhà nước đối với giáo viên nước ngoài.

Dich vụ tài chính: Về dịch vụ bảo hiểm, các công ty nước ngoài được thành lập công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài ngay từ thời điểm Việt Nam gia nhập. Các công ty nước ngoài được cung cấp bảo hiểm bắt buộc từ ngày 1 tháng 1 năm 2008 và thành lập chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ sau năm năm kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO. Việt Nam cũng cam kết mở cửa nhiều loại hình dịch vụ bảo hiểm khác cho các công ty nước ngoài. Về dịch vụ ngân hàng, ngân hàng nước ngoài được phép thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài không muộn hơn ngày 1 tháng 4 năm 2007. Ngân hàng nước ngoài còn được phép huy động tiền gửi bằng tiền đồng Việt Nam theo một lộ trình. Bên cạnh đó còn nhiều ràng buộc khác như hạn chế mua cổ phần của các ngân hàng thương mại, không cho phép chi nhánh ngân hàng nước ngoài mở điểm giao dịch ngoài trụ sở chi nhánh v.v… Về dịch vụ chứng khoán, các công ty nước ngoài được kinh doanh dưới hình thức liên doanh với vốn góp tối đa 49% ngay sau thời điểm gia nhập, và thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài sau 5 năm. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng được quyền cung ứng một số dịch vụ chứng khoán qua biên giới.

Dịch vụ vận tải: Về vận tải biển và hỗ trợ vận tải biển, Việt Nam không hạn chế các công ty nước ngoài vận chuyển hàng hoá qua biên giới nhưng không cam kết đối với vận tải hành khách. Trong vòng 5 năm đầu kể từ khi gia nhập, các nhà cung ứng nước ngoài được kinh doanh dưới hình thức liên doanh với vốn góp tối đa 51% để cung ứng một số dịch vụ vận tải biển quốc tế. Sau 5 năm có thể thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Một số dịch vụ hỗ trợ vận tải như xếp dỡ công-te-nơ, dịch vụ thông quan, dịch vụ kho bãi công-te-nơ cũng được mở cửa cho các công ty nước ngoài. Về dịch vụ vận tải đường bộ, đường thuỷ, đường sắt và đường không, Việt Nam không cam kết về vận chuyển hàng hoá và hành khách qua biên giới. Tuy nhiên các doanh nghiệp nước ngoài có thể tham gia cung ứng thông qua liên doanh.

Các loại hình dịch vụ khác: Các loại hình dịch vụ khác như dịch vụ nghe nhìn, dịch vụ xây dựng, dịch vụ môi trường, dịch vụ y tế, dịch vụ văn hoá giải trí v.v… Việt Nam đều cam kết mở cửa nhưng với mức độ khác nhau. Tuỳ theo lĩnh vực và thời gian sau gia nhập, các nhà cung ứng nước ngoài có thể kinh doanh dưới hình thức liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài.

Danh mục các biện pháp miễn trừ đối xử tối huệ quốc bao gồm các biện pháp được áp dụng đối với một số dịch vụ nhưng trái với nguyên tắc đối xử tối huệ quốc. Việc áp dụng những biện pháp như vậy vẫn được phép theo qui tắc của GATS nếu những biện pháp này được đưa vào danh mục miễn trừ đối xử tối huệ quốc và được các Thành viên khác chấp nhận.

(hết phần 2)

trích tứ nguồn: Cổng TTĐT Bộ Công Thương

minh tri 167

Tổng số bài gửi : 14
Join date : 30/05/2010

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết